6/30/09

Mùa nấm mối

Photobucket

Có thể nói nấm mối là một món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho miền quê sông nước Cửu Long. Trong ký ức của những người xa xứ, mùa nấm mối luôn gợi về những kỷ niệm thân thương, để rồi khi bất chợt ở chốn thị thành, được thưởng thức lại mùi vị nấm mối thấy lòng bồi hồi nhớ chốn quê, nhớ sao mùa nấm!

Không giống như các loại phổ biến như nấm rơm, nấm mèo… có thể trồng quanh năm bằng meo nhân tạo, nấm mối chỉ có một mùa duy nhất trong năm và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi những cơn mưa đầu mùa tưới lên đất khô, gió trở mùa làm không khí bốc mùi đất ẩm, người ta gọi đây là “gió nấm”. Thứ gió dễ làm người già bị nhức mình, trẻ con cảm sụt sịt, nhưng hình như ai cũng vui vì sắp được ăn nấm mối. Tùy theo thời tiết mà nấm mọc sớm hay trễ. Thế là đi canh nấm, giữ những chỗ nấm đã mọc từ những mùa trước để nhổ kịp lúc. Có người rất thính mũi, ngửi thấy mùi nấm từ xa, nhưng có người đạp lên nấm mọc trước mắt mà không hay.

Mùa nấm kéo dài chừng hơn một tháng, bắt đầu từ độ cuối tháng Tư Âm lịch, rộ vào tháng Năm và lai rai sang tháng Sáu rồi dứt. Nấm thường mọc ở những vườn dừa có nhiều tàu dừa mục, hoặc dưới lớp đất bùn bồi lên bờ vừa khô. Từ ụ mối nằm sâu dưới đất sẽ tiết ra meo, tùy ụ mối lớn hay nhỏ mà ổ nấm mọc nhiều hay ít. Nấm mọc lúp xúp như một đội binh, nhỏ thì như ngón tay út, lớn thì bằng ngón cái, có khi nấm mọc kéo dài cả vài mét, có khi gom lại như cái nia tròn. Tai nấm thường có màu nâu sậm, nhưng cũng có loại trắng tinh (gọi là nấm nếp), chỉ khác màu thôi chứ chúng đều ngon cả.

Nhổ nấm cũng phải biết kỹ thuật. Nếu nấm mọc chỗ đất cứng thì phải lay nhẹ từ từ hoặc dùng cành cây cạy đất, nhổ được hết phần gốc nằm sâu trong đất. Điều đáng chú ý là không được dùng dao, vì “hơi dao” sẽ làm mối bỏ đi, năm sau nấm không mọc nữa.
Nấm nhổ lên cạo rửa sạch đất, lớn thì chẻ làm đôi, nhỏ thì để nguyên tai, ngâm chút nước muối là sạch, sau đó tùy ý thích mà chế biến. Thực đơn về nấm cũng rất phong phú, có đến hàng chục món. Khi chế biến, không nên nêm nhiều gia vị để giữ hương vị thơm ngon nguyên thủy của nấm. Dù là món gì, gắp miếng nấm mối nhai chầm chậm để vừa cảm nhận được cái giòn sần sật và vị ngọt thanh, đậm đà của nấm tiết ra đầu lưỡi, rất đặc trưng không lẫn vào đâu được, mới thấy nấm mối đúng là “hoa hậu miệt vườn” hiếm có đối thủ.

Ở quê, người ta hay dùng những thứ rau, củ, quả có sẵn trong vườn để chế biến với nấm. Dễ nhất là nấu cháo nấm. Ngày mưa rả rích, có tô cháo nấm bốc khói thơm lừng thì còn gì bằng. Để ăn với cơm có các món nấm kho tiêu, xào sả ớt, xào bầu, bí, mướp hay nấu canh tập tàng (gồm nhiều loại rau mọc ở vườn như cải trời, rau má, mồng tơi, rau ngót…) đều ngon.

Canh nấm nêm bằng muối ớt, đặc biệt là ớt hiểm chín đỏ, đâm nhuyễn với muối, nêm một ít vào canh và để chấm ở ngoài. Vị cay nồng ấm của ớt càng làm tô canh nấm ngọt đậm hơn. Xứ dừa còn có món đặc sản là nấm um lá cách (giống như lươn um) vắt nước cốt dừa. Lá cách hơi nhẫn nhưng khi kết hợp với vị ngọt của nấm và vị béo của dừa thì thơm ngon khó tả. Còn trong các món ăn chơi phải kể đến bánh xèo nhân nấm mối, nấm lăn bột…

Bánh xèo không lạ, nhưng muốn ăn bánh xèo nhân nấm mối thì mỗi năm chỉ có một lần. Bởi vậy, thường vào dịp ăn Tết Đoan Ngọ (mùng năm tháng Năm Âm lịch), con cái đi xa cũng tranh thủ về nhà, quây quần cùng mẹ, cùng chị đổ bánh xèo, ăn một bữa cho đã thèm. Có khi trúng mùa nấm mối, mẹ còn vén khéo làm cho ít nấm sấy khô để con đem theo làm quà cho người thành phố. Những đầu bếp miệt vườn cũng rất linh động trong việc sáng tạo, chế biến món ăn, cho nấm xuất hiện trong các món lẩu, đặc biệt lẩu mắm vốn đã nổi tiếng của miền Tây.

Ngày nay, do vườn đã được khai khẩn, trồng trọt nhiều, lại sử dụng các loại thuốc hóa học nên nấm mối không mọc nhiều như xưa nữa. Khi gió nấm về xào xạc, mùa nấm mối cũng lặng lẽ hơn. Nhưng ở nơi “thứ gì cũng có” như Sài Gòn, ăn loại nấm mối có giá đắt hơn cả thịt heo, nhiều người vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Hóa ra, những người xa xứ không chỉ thèm nấm mối, mà còn thèm cả cái không khí ở quê nhà…


nam moi nuong la cach

6/24/09

Bề bề rang muối


Các món rang muối có nhiều dị bản lắm. Bề bề rang muối hay ghẹ rang muối, là thực sự nó được rang bằng dầu phi hành tỏi, hoặc mỡ lợn, khi bề bề hoặc ghẹ đã chín, thịt chắc, bên ngoài vỏ hơi giòn rồi, rắc muối đã rang, tiêu bột, đảo cho đến khi ghẹ hoặc bề bề thấm đều gia vị, bóng thì được. Cách này đơn giản nhưng ăn cũng ngon lắm đấy. Món này ăn thịt được bọn bề bề với ghẹ thì ít thôi còn chủ yếu mút tay mình là chính.
Với bề bề thì có thể để sống rang luôn vì mình nó mỏng, nhưng ghẹ hay cua thì không nên để vậy làm, vì vỏ ghẹ cứng và thân ghẹ hay cua dầy, vì vậy để thịt cua, ghẹ được chắc khi ăn, thì phải đem luộc chín tới ( thấy chuyển mầu đỏ là được đừng luộc lâu quá ).

Có hai cách, sau khi sau khi luộc, một là lột bỏ mai, bẻ mình cua, ghẹ làm đôi để rang, hai là để nguyên mai nhưng đập dập mai, để khi rang thịt cua ghẹ được ngấm gia vị. Sau khi đã luộc và làm « công việc của đao phủ » trên đây rồi thì có thể phi hành tỏi và rang như đã nói ở trên.
Cách làm món rang muối đang thịnh hành bây giờ là làm hỗn hợp bột tẩm.


Bề Bề (người miền Nam hay gọi là tôm tít hay bọ ngựa biển)


bebe

Cách chế biến:

1. Bề bề tươi rửa sạch, cắt bớt hai bên cạnh để khi ăn bề bề dễ bóc hơn mà không bị đau tay, sau đó để cho ráo nước.
2. Đổ dầu vào chảo cho nóng dầu, cho bề bề vào chiên chín giòn, vớt ra để ráo.
3. Chuẩn bị hỗn hợp muối rang bao gồm: một ít bột gạo, một ít bột nếp, một ít bột đậu xanh (ước chừng vừa đủ để tẩm vào bề bề), muối tinh loại nhỏ tất cả trộn đều, rang nóng và cho một ít tiêu bắc vào cho thơm.
4. Lấy từng con bề bề chiên giòn lăn qua hỗn hợp muối rang sao cho hỗn hợp muối bám đều hết cả con bề bề.
5. Bắc dầu mới lên chảo cho hơi nóng, cho hành, tỏi đập dập và xả thái dài độ 5 phân đập đập vào phi 1 chút cho thơm rồi thả từng con bề bề đã lăn qua hỗn hợp muối. Để khoảng vài ba phút thì gắp bề bề ra vì trước đó mình đã chiên chín giòn bề bề rồi.
6. Chuẩn bị bát đĩa, tương ớt và ít rau thơm ăn cùng.

Bề bề mình rang kiểu này ăn giòn tan, chỉ phải bỏ mỗi cái vỏ bên trên và cái đuôi cứng ngắc thôi.

Gỏi măng cụt

goimangcut1

Nguyên liệu:
- Măng cụt: 4 trái;
- Tôm sú: 4 con;
- Mực khô: 100g;
- Thịt thăn heo: 80g;
- Dừa rám: 40g;
- Mè rang: 1 muỗng xúp;
- Củ hành tây: 1 củ; rau thơm: một ít


goimangcut



Chế biến và trình bày:
- Tôm luộc chín lột vỏ, thịt thái sợi, mực xé sợi chiên vàng. Củ hành cắt mỏng, rau thơm cắt nhỏ, dừa rám bào sợi.
- Pha nước trộn gỏi: giấm gạo lisa: 1 muỗng xúp, nước mắm: 1 muỗng xúp, đường: 1/2 muỗng xúp, muối: 1/4 muỗng cà phê, khuấy tan đều.
- Pha nước mắm: 2 muỗng xúp nước mắm, 2 muỗng xúp đường, 1 muỗng xúp nước cốt chanh, 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1/2 muỗng cà phê ớt băm.

Măng cụt cắt tròn vỏ, lấy múi ngâm trong nước đá có chút đường khoảng 1 – 2 phút vớt ra. Xếp măng cụt vào dĩa với hành tây, rưới một phần nước trộn gỏi lên măng cụt. Xếp tiếp thịt thăn, mực xé chiên, tôm, dừa rám, rau thơm. Rưới phần nước gỏi còn lại và một muỗng xúp nước mắm pha lên gỏi, sau cùng rắc mè lên mặt.

Gỏi có vị chua ngọt của măng cụt, béo của dừa, thơm của mè. Gỏi măng cụt ăn kèm bánh phồng tôm và nước mắm pha chua ngọt.


6/22/09

Cơm tay cầm

comtaycam

Nguyên liệu:
- 1 chén cơm trắng
- 2 con tôm sú
- 2 con nghêu
- 20g mực ống
- 20g cá chẽm
- 1 quả trứng gà
- 20g đậu bo
- 20g bắp hột
- 20g cà rốt
- 20g hành tây
- 5g gừng tươi
- 5 cọng hành lá
- 100g xà lách xoong
- 2 thìa cà phê hạt nêm Aji-ngon
- 1 thìa cà phê tỏi băm
- 4 thìa súp dầu ăn

Thực hiện:
- Hành lá cắt khúc, gừng gọt vỏ xắt sợi.
- Tôm bóc nõn vỏ, nghêu luộc lấy nhân, mực và cá xắt miếng vừa ăn.
- Bắc chảo nóng, cho ít dầu vào, bỏ tất cả hải sản vào xào lên cho thơm và vừa chín, nêm nếm vừa ăn, sau đó bỏ tỏi băm vào cho thơm.
- Bắc chảo lên cho nóng rồi cho dầu ăn vào và gừng sợi, hành lá, tỏi băm vào phi cho thơm rồi cho trứng gà đánh tan vào cho trứng chín và tơi ra rồi bỏ cơm vào chiên chung với đậu bo, cà rốt và bắp, nêm hạt nêm Aji-ngon cho vừa ăn.
- Cho cơm vào thố và sắp hải sản lên trên, ăn kèm với rau xà lách xoong.

6/16/09

Món ngon mùa hè: Canh hến nấu khế

Chỉ cần thêm vài quả cà pháo, ăn kèm với dưa chuột chẻ thay rau và món canh hến nấu khế là bạn đã có một bữa cơm ngon dễ ăn trong mùa hè rồi đấy.


canh

Nguyên liệu:

250 thịt hến, 3 quả khế chua (200g), 2 quả cà chua (150g), 2 nhánh hành lá, 2 củ hành tím.

Gia vị: hạt nêm, đường, nước mắm, muối, dầu ăn.


Thực hiện:
- Hến rửa sạch, để ráo.
- Khế gọt bỏ cạnh rìa, thái lát 0,3cm.
- Cà chua thái múi cam.
- Hành lá bỏ rễ, thái nhuyễn. Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn.


Đun sôi 800ml nước, cho thịt hến, khế chua, cà chua vào.

Chờ nước sôi lại, cho hến đã xào vào, nêm 2 muỗng cà-phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà-phê muối, 1/2 muỗng cà-phê đường.

Múc ra tô, rắc hành lá thái nhuyễn.


6/15/09

PHỞ BÒ

phobo

I. NGUYÊN LIỆU:
- 1kg xương bò
- 400 gr thịt nạm
- 250 gr thịt filet
- 2 củ hành tây to
- 3 trái chanh
- Ớt, hành lá
- Rau quế, ngò gai
- Muối, tiêu, bột ngọt
- 1 kg 500 bánh phở
- 300 gr giá sống
- 1 củ gừng
- 3 tai cánh hồi
- 1 miếng quế nhỏ
- 50 gr tương xay
- 20 gr tương ớt xay nhuyễn

II. CÁCH THỰC HIỆN:
* Giai đoạn 1: Sửa soạn
a> Xương bò, thịt nạm: rửa sạch, để ráo
b> Thịt filet: rửa sạch, dùng khăn lau khô cho vào tủ lạnh
c> Củ gừng + 1 củ hành tây: nướng cháy vỏ, dùng dao cạo sạch lớp cháy.
d> Giá sống, rau thơm: rửa sạch
e> Ớt, chanh: xắt lát (gần ăn mới xắt)

* Giai đoạn 2: Nấu nước phở
Lường độ 10 tô nước lạnh, đổ vào nồi nấu sôi, cho xương bò + nạm vào nấu lúc đầu lửa to, khi sôi bùn lên, hạ thấp lửa xuống và hớt bọt thường xuyên cho nước được trong. Nêm 1 chút muối vào nồi nước phở, để củ gừng nướng đập dập + củ hành nướng + cánh hồi và quế vào cho thơm mùi phở.
+ Thịt nạm chín vớt ra để ráo nước, xắt lát.
+ Nêm nước phở lại cho vừa ăn và cho thêm bột ngọt vào.
+ Thịt filet: thái mỏng.

* Giai đoạn 3: Trình bày món ăn
Giá sống, bánh phở để vào vợt, trụn sơ qua nước sôi, cho tất cả vào tô. Bên trên sắp thịt nạm, thịt filet, củ hành thái khoanh mỏng và hành lá + ngò gai xắt nhỏ. Trụn thêm 1 củ hành lá cắt dài độ 6cm lên trên. Rắc tiêu lên trên mặt tô và múc nước phở thật nóng dội lên trên, cho phần thịt bò được tái.
Món phở phải ăn thật nóng với tương + ớt xay + chanh + ớt xắt lát và rau ngò + rau quế.

Ghi chú:
+ Tránh không nên nêm nước mắm vào trong nước phở mà chỉ nêm muối để nước không có vị chua. Lúc ăn mới nêm nước mắm vào.
+ Cánh hồi + quế: Không nên để nhiều vì như thế nước phở sẽ có mùi hăn. Khi nấu nên lấy vải bọc túm cánh hối và quế lại, để khi nếm thấy mùi vị đủ thì vớt ra bỏ.

6/12/09

Bánh bột chiên Kim chi

1

Bánh bột chiên kimchi ( phân lượng 2 bánh)
Chuẩn bị nguyên liệu theo lượng muỗng ăn cơm và ly giấy)

Nguyên liệu chính: Kimchi chua (6 nhánh), bột mì(1 ly) ,tinh bột(1), nước (3/4 ly),nước kimchi (4)

CÁCH LÀM:

2


1. Trộn lẫn bột mì (1 ly) , nước (3/4 ly), tinh bột(1), nước kim chi ( 4) vào một nơi.
Trong bột nhào thì vì có vị kim chi nên dùng bột mì thay cho bột chiên.
Để vừa mềm dẻo, vừa thêm vị giòn thì thêm vào 1 muỗng tinh bột.
Nếu không có tinh bột thì không bỏ cũng không sao.
Nếu dùng nước đá lạnh hoặc nước lạnh thì màu của bột nhào sẽ đẹp và vị kim chi sẽ đậm đà.
2. Kim chi thì ngắt bỏ phần gốc đi, rũ bỏ phần bên trong và vắt kiệt ra nước kim chi, chuẩn bị cho bằng ngang nhau
3. Cho nhiều dầu ăn vào trong chảo đang đun nóng. Trải vừa mỏng vừa rộng bột nhào chiên vào chảo, trải kim chi lên trên đó không cho dính chồng lên nhau.
Cho từng chút bột nhào chiên và chiên chín
4. Nếu chín vàng là được.

6/11/09

Cá Kèo Kho Rau Răm

cakeo

Nguyên liệu:
- 300gr cá kèo.
- 1 đầu hành lá giã nát.
- 1-2 quả ớt hiểm giã nát.
- 1 nhúm rau răm.
- 3 thìa súp nước dùng.
- Gia vị: nước mắm ngon, đường, tiêu, hạt nêm.

Thực hiện:
- Cá kèo làm sạch nhớt, rửa và để ráo.
- Ướp cá với 3 thìa súp nước mắm, 2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê hạt nêm, ớt và đầu hành giã nát. Rau răm rửa sạch, cắt nhỏ.
- Cho vào chảo 1 thìa súp đường, dùng đũa khuấy đều tay cho đường chảy ra và vàng vừa tới. Cho cá kèo đã ướp vào, giảm lửa để cá săn lại và ngấm gia vị.
- Đổ nước dùng vào, kho trên lửa liu riu đến khi nước sánh lại, nên để lửa thật nhỏ để cá ngấm gia vị. Thêm rau răm cắt nhỏ, tắt bếp.
Món này dùng chung với cơm nóng.

Sườn non nấu canh cải chua

caichua


I. Nguyên liệu:
-300g cải chua
-300g sườn non
-1 vắt me chín
-100g Rau om, ngò gai, rau quế, ớt
-100g hành tím
- Muối, đường, bột ngọt, nước mắm, tiêu.

II. Cách làm
1/ Chuẩn bị:
- Dưa cải: Bỏ bớt lá, cắt ngắn từng đoạn 3 cm, rửa sạch để ráo.
- Sườn non: Rửa sạch, để ráo chặt nhỏ vừa ăn.
- Me: Dầm lấy 6 muỗng súp nước me đặc.
- Rau om: Lặt, rửa sạch thái nhỏ.
- Ớt bào xéo mỏng.
- Hành tím: Bóc vỏ, bào mỏng theo chiều xuôi phi vàng.
- Ngò gai, rau quế: lặt, rửa sạch thái nhỏ.

2/ Chế biến:
- 2 lít nước lạnh nấu sôi cho sườn vào hầm lửa lớn vớt bọt, hạ lửa riu riu cho xương mềm, cho tiếp cải chua vào + nước me + muối, đường, bột ngọt, nước mắm. Hầm 15 phút, nêm lại chua chua ngọt ngọt là được.

Nhắc xuống.
- Múc canh ra thố.
- Rắc rau om, ngò gai, rau quế, hành tím phi, tiêu lên mặt.
- Món này dùng nóng với bún hoặc cơm + nước mắm nguyên chất, ớt thái khoanh.

Rau muống xào thịt bò

rauxao


Nguyên liệu:
-100g phi-lê thịt bò
- 1/2kg rau muống (1bó nhỏ)
- 4 tép tỏi
- Bột nêm gà
- Tiêu, đường, nước nắm, dầu ăn, bột bắp.

Thực hiện:
- Rau muống nhặt khúc dài 7- 8 cm, bỏ bớt lá. Rửa sạch, để ráo nước.
- Bóc vỏ tỏi, 2 tép băm nhuyễn, 2 tép bào lát mỏng.
- Thịt bò thái miếng mỏng hình chữ nhật, ướp với 1/2 thìa cà-phê hạt nêm, 1/2 thìa cà-phê bột bắp, 1/2 thìa cà-phê dầu ăn.

- Xào rau muống :
Trước khi xào trụng sơ rau muống trong nước sôi có pha chút muối . Vớt rau ra, thả rau trong thau nước đá thật lạnh. Để một chút cho ráo nước rồi bỏ vào xào trên chảo dầu nóng, lửa to, cho vào vài tép tỏi băm. Nêm 1 thìa cà-phê nước nắm, 1 thìa cà-phê bột nêm gà , 1/2 thìa cà-phê đường. Trút rau ra dĩa. Phi thơm tỏi cắt lát với 1/2 thìa súp dầu ăn, cho thịt bò vào xào nhanh trên lửa thật lớn , nêm nước mắm ,bột nêm gà + chút đường ,rắc vào 1/2 thìa cà-phê tiêu.
Thịt vừa chín tới nhắc xuống trút lên dĩa rau muống vừa xào dùng với cơm nóng

Canh sò điệp nấu măng



Măng tươi có vị thơm lạ, mềm, hợp với vị ngọt của sò điệp sẽ tạo nên cho bạn một món canh ngon, bổ dưỡng.

ct3


Nguyên liệu:

- 300g sò điệp tươi

- 200g thịt cua

- 100g cà rốt

- 100g su hào

- 100g măng tươi

- 1 lít nước dùng

- Một ít rau răm

- 1/2 muỗng cà phê muối

- 1 muỗng cà phê đường

- 1 muỗng xúp nước mắm.

Cách làm:

1. Sò điệp tươi làm sạch, cua hấp chín rỉa thịt. Cà rốt, su hào cắt cỡ 1 x 1cm. Măng tươi cắt sợi luộc chín, xả nước cho hết đắng.

2. Cho tất cả nguyên liệu vào nước dùng nấu sôi, sau đó hạ lửa nhỏ nấu thêm 20 phút nữa.

Nêm nước mắm, muối, đường cho vừa ăn.

Múc xúp ra thố nhỉ, rắc rau răm lên mặt.


Cà ri mực, lá húng lủi

cari_muc

Nguyên liệu:
- 400g mực ống
- 150g thịt xay
- 50g giò sống
- 1/2 lít sữa tươi
- 2 củ khoai tây
- 5 củ hành tím
- 2 thìa cà phê ớt xay
- 1 thìa súp bột cà ri
- 3 thìa cà phê hạt nêm
- 1 thìa súp nước mắm
- 1 thìa súp đường
- 1 thìa súp dầu ăn
- 1/2 thìa cà phê tiêu
- Hành xay, tỏi xay, sả băm
- Lá cà ri tươi, húng lủi

Cách làm:

1. Mực móc ruột, làm sạch, giữ đầu, rửa sạch. Thịt xay, giò sống trộn đều với hành xay, tiêu cùng 1 thìa cà phê hạt nêm. Nhồi thịt vào mực dùng tăm ghim lại.

2. Khoai tây gọt vỏ cắt miếng vuông, chiên sơ. Hành tím cắt đôi

3. Đun nóng dầu, phi thơm tỏi, ớt, sả băm. Cho mực vào xóc đều, cho bột cà ri và lá cà ri vào, tắt bếp, trộn đều mực.

4. Cho sữa tươi vào nồi nấu với lửa nhỏ, thêm khoai tây, củ hành, nêm nước mắm, đường, hạt nêm, nếm vừa ăn.

5. Nấu mực chín, khoai mềm, cho lá húng lủi vào tắt bếp.

Múc ra đĩa, dùng nóng.

Mẹo nhỏ: Nhân mực nhồi chỉ vừa đủ, không nhồi quá nhiều vì khi chín, mực co lại sẽ đẩy đầu mực ra mất đẹp. Có thể dùng tăm xăm vài lỗ dọc theo thặnmc để dễ dồn nhân. Khi nấu sữa tươi, phải nấu lửa nhỏ, dưới 100 độ C, không sôi bùng sữa sẽ nổi lợn cợn không ngon và mất chất dinh dưỡng.

Sake Lăn Bột Chiên

Nhiều món ăn được chế biến từ trái sa kê. Trái cây này có nguồn gốc từ bán đảo Malaysia và các đảo tây Thái Bình Dương. Vì nó là thức ăn chính của họ nên còn gọi là trái bánh mì – breadfruit

Cách làm món Sake lăn bột chiên rất đơn giản , chỉ cần bỏ ra 45 phút thì mọi người sẽ có 1 món ăn rất tuyệt quên cả chuyện đời luôn . Bắt đầu nhé !

sake1


Chuẩn bị :
- 1 trái sake , 1 bịch bột chiên tôm , dầu .


Cách làm như sau :
- Sa kê mua về gọt vỏ cắt ra làm đôi rửa sạch với nước lạnh và ngâm qua nước muối khoảng 5 phút ( có tác dụng làm sạch mủ sake không bị đen )
- Xong rồi vớt ra cắt miếng vừa ăn để ra rổ cho ráo 5 phút ,sau đó bỏ nó vào 1 cái tô lớn và rắc bột chiên tôm áo đều khắp miếng sa kê , để cho thấm khoảng 5 phút nữa rồi mới bắt chảo dầu lên chiên .

sake2


Trải đều sake lăn bột lên chảo và đợi hơi vàng 1 chút rồi vớt ra để trong 1 cái rây có lót giấy thấm dầu

sake3

Cuối cùng khi sake lăn bột đã ráo dầu và nguội thì sắp ra 1 cái dĩa rồi bắt đầu măm măm

sake4


Chúc mọi người có thêm 1 món ăn ngon miệng mới nhé!

6/9/09

Các mẹo giúp bé thích ăn rau

Nguyên nhân khiến bé không thích ăn rau:

Thường điều này lại bắt nguồn từ những thói quen của mẹ khi bé bắt đầu ăn dặm:

- Sợ con bị “hóc" nên mẹ thường chỉ cho bé ăn nước hầm từ xương và rau hoặc cho tất cả mọi thứ (thịt, rau) vào máy xay sinh tố làm cho chén bột đơn điệu mùi vị và bé không được làm quen với động tác nhai.
- Các bà mẹ thường cố ép con ăn đủ thịt cá và nghĩ để bé được vài tuổi rồi tập ăn rau quả cũng không muộn.
- Đối với các bé ở tuổi đến trường, một hình ảnh khá quen thuộc làm bé hoảng: một bên là bát cơm với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, một bên là roi mây. Bé buộc phải lựa chọn “hoặc roi mây hoặc là rau”.
- Không được nhìn thấy bố mẹ ăn rau vì bé phải ngồi ở góc riêng.
- Bố mẹ ít ăn rau.

Nên và không nên khi muốn bé ăn đủ rau trái

Các bà mẹ nên quan tâm đến bữa ăn của con ngay từ khi bé mới bắt đầu tập ăn dặm. Cụ thể:

Nên :
- Bằm nhuyễn thức ăn bằng dao thớt.
- Cho bé ăn cả bã thức ăn.
- Luôn đủ 4 nhóm thức ăn trong bữa ăn và thay đổi món mỗi ngày.
- Nạo trái cây bằng muỗng cho bé ăn.
- Tập cho bé ăn các loại rau mềm như mồng tơi đến các loại dai hơn như hẹ, rau muống và lưu ý chiều theo sở thích của bé.
- Khuyến khích bé ăn rau bằng những câu chuyện kể hấp dẫn: “ăn cà rốt sẽ sáng mắt và nhanh nhẹn như thỏ”, “ăn rau ngót da sẽ đẹp như hoa hậu”.
- Cho bé ăn cùng gia đình với những món rau, trái cây trình bày hấp dẫn.

Không nên:
- Xay nhuyễn thức ăn bằng máy xay sinh tố.
- Chỉ hầm lấy nước cho bé ăn.
- Không đủ 4 nhóm, món ăn không thay đổi, thiếu đa dạng.
- Ăn sinh tố trái cây.
- Ép bé ăn các loại rau theo suy nghĩ của người lớn, ví dụ như bé thích ăn rau mồng tơi nhưng mẹ bắt bé ăn rau dền vì nghĩ rau dền đỏ bổ máu hơn.
- Doạ nạt và có hình phạt nếu bé không chịu ăn rau.
- Cho bé ăn riêng và trộn lẫn các loại thực phẩm vào một tô khi bé đã lớn.

(Theo Sức Khỏe 360)

Nấu bột cho trẻ từ 4 - 6 tháng tuổi

Trong giai đoạn trẻ từ 4- 6 tháng tuổi, sữa mẹ là phương pháp dinh dưỡng lý tưởng nhất đối với trẻ. Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Nếu sữa mẹ đầy đủ và chất lượng tốt thì các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Trong trường hợp mẹ ít sữa, trẻ chậm tăng tăng cân có thể tham khảo thực đơn ăn cho trẻ từ 4 - 6 tháng tuổi được Trung tâm dinh dưỡng trẻ em Tp.HCM khuyến khích dùng cho bé tập ăn dặm sau đây .

Bột trứng - Cà rốt (Cung cấp 150 calo)


carot


Nguyên liệu:
Bột gạo: 10g (2 muỗng canh gạt)
Trứng gà: 15g (1/2 lòng đỏ)
Cà rốt: 30g (3 muỗng canh)
Đường: 2g (1/2 muỗng cà phê)
Dầu: 5g (1 muỗng cà phê)
Nước: 200ml (lưng 1 chén nước)

Cách làm:
Cà rốt nấu chín tán nhuyễn.
Trứng gà đánh đều lòng đỏ.
Cho 10g bột vào ít nước quậy tan đều, thêm vào phần nước còn lại cùng với trứng, cà rốt, đường. Bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi bột chín, cho ra chén thêm vào một muỗng cà phê dầu trộn đều.


Bột tàu hũ - Bí xanh (Cung cấp 122,5 calo)

botbixanh

Nguyên liệu:
Bột gạo: 10g (2 muỗng canh gạt)
Tàu hũ trắng: 30g (3 muỗng canh)
Bí xanh: 30g (3 muỗng canh)
Đường: 2g (1/2 muỗng cà phê)
Dầu: 5g (1 muỗng cà phê)
Nước: 200ml (lưng 1 chén nước)

Cách làm:
Bí xanh nấu chín tán nhuyễn.
Tàu hũ trắng tán nhuyễn.
Hòa 10g bột gạo với chút nước, thêm vào hỗn hợp trên với phần nước còn lại, bí xanh, tàu hũ, đường, bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều đến khi chín.
Cho ra chén thêm vào 1 muỗng cà phê dầu trộn đều, nêm nước mắm ngon hoặc muối iod vừa ăn. (Có thể thay thế bí xanh bằng rau dền, rau muống, rau mồng tơi...)

BỘT TRỨNG SU SU (1 chén cho 150 calo)

Nguyên liệu:
Bột gạo: 10g (2 muỗng canh gạt)
Trứng gà: 15g (½ lòng đỏ)
Su su: 30g (3 muỗng canh)
Đường: 2g (1 muỗng cà phê)
Dầu: 5g (1 muỗng cà phê)
Nước 200ml (lưng 1 chén nước)

Cách làm:
Su su nấu mềm tán nhuyễn.
Lòng đỏ trứng gà đánh đều.
Hòa tan bột với chút nước, cho thêm phần nước còn lại với trứng, su su, đường.
Bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi bột chín, cho ra chén thêm 1 muỗng cà phê dầu trộn đều.

BỘT SỮA BÍ ĐỎ (1 chén cho 166 calo)
botsuabido

Nguyên liệu:
Bột gạo: 10g (2 muỗng canh gạt)
Sữa bột: loại sữa bé vẫn thường dùng 12g (3 muỗng canh gạt)
Bí đỏ: 30g (3 muỗng canh gạt)
Dầu: 2,5g (½ muỗng cà phê)
Đường: 10g (2 muỗng cà phê)
Nước: 200ml (lưng 1 chén)

Cách làm:
Bí đỏ luộc chín hay hấp trong cơm, tán nhuyễn.
Lấy chút nước khuấy với bột cho tan đều, thêm bí đỏ, đường và phần nước còn lại vào, bắc lên bếp khuấy đều với lửa nhỏ cho chín bột.
Cho bột ra chén, thêm ½ muỗng cà phê dầu trộn thật đều sau đó mới cho từ từ sữa bột.

(Theo nutifood)

Trẻ em ăn dặm từ 6 đến 12 tháng tuổi

Sữa mẹ là rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng ăn dặm cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp trẻ tăng trưởng và thích nghi với cuộc sống. Vậy thì thời điểm nào là tốt nhất cho bé tập ăn dặm?


Tho



Bé tròn 4 tháng tuổi, ai cũng bảo tới tuổi tập ăn dặm rồi đấy. Nhưng phải bắt đầu ra sao, điều này làm cho các bà mẹ thật sự bối rối. Nếu trong tháng này, bé có vẻ hơi chậm tăng cân, mặc dù vẫn bú mẹ, bú ngoài bình thường. Có trục trặc gì đã xảy ra?

Bạn biết không? Đây chính là thời điểm bạn cần cho bé tập ăn dặm, nhằm đảm bảo cho bé tiếp tục tăng trưởng và phát triển bình thường. Ăn dặm - hay còn gọi là ăn bổ sung, ăn sam được hiểu là sự chuyển từ chế độ sữa hoàn toàn sang chế độ ăn có thức ăn khác sữa.

Tại sao phải cho bé ăn dặm?

Bé sinh ra trong 4-6 tháng đầu tiên chỉ cần bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa bò) và hoàn toàn không cần cho ăn hay uống thêm bất cứ một loại thức ăn, thức uống nào khác. Trong bốn tháng này, bé tăng khoảng 1kg mỗi tháng là tốt, chứng tỏ lượng sữa cung cấp là đủ cho sự phát triển của bé. Với đa số trẻ em thì chỉ cần cho bú sữa mẹ (hoặc sữa bò nếu không thể có sữa mẹ) hoàn toàn trong 4 tháng đầu thì đã đủ cho nhu cầu sống và lớn lên của bé. Trước thời gian này, mẹ không nên cho bé ăn hay uống bất cứ một loại thức ăn, thức uống nào khác; vì không những không cần thiết mà còn gây hại cho hệ tiêu hóa còn non yếu của bé. Tùy theo từng trẻ, sau 4-6 tháng tuổi thì nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của bé sẽ tăng lên vì bé lớn lên không ngừng, sữa không đủ cho nhu cầu dinh dưỡng của bé nên cần phải cung cấp thêm các loại thức ăn khác. Các chất dinh dưỡng dễ bị thiếu hụt khi chỉ dựa vào chế độ ăn lỏng (sữa) là năng lượng, chất đạm (protein), sắt và kẽm, gây ra bé chậm tăng trưởng, dễ bị thiếu máu, biếng ăn và các rối loạn khác.

Mặt khác, tập cho trẻ ăn lúc này là một cách giúp bé hòa nhập vào gia đình và cách ăn uống của gia đình. Bé sẽ bắt đầu mọc răng vào khoảng 6-8 tháng tuổi nên có nhu cầu nhai để có thói quen ăn uống tốt sau này. Các trẻ bú mẹ đã làm quen với hương vị các loại thức ăn qua sữa mẹ nên dễ dàng trong việc tiếp nhận các thức ăn này ở tuổi ăn dặm.

Một điều cần lưu ý là nếu trẻ được ăn dặm trễ sau 10-12 tháng sẽ khó thích nghi với bữa ăn gia đình, thường ăn uống thiên lệch, không ăn được nhiều loại thức ăn,… ảnh hưởng lâu dài đến tình trạng dinh dưỡng sau này.

Khi nào cần cho trẻ ăn dặm?

Có nhiều người khá bối rối khi đọc được thông tin “Hãy cho trẻ tập ăn dặm từ 4 đến 6 tháng”. Vậy khi nào thì tập ăn lúc 4 tháng và khi nào thì 6 tháng? Có thể cho ăn sớm hơn hay trễ hơn thời gian này hay không?

Thật ra, không có một thời điểm nhất định nào cho mọi trẻ. Thời gian tập ăn dặm phù hợp nhất đối với mỗi trẻ là khi sữa mẹ không còn cung cấp đủ cho nhu cầu của trẻ nữa. Trẻ to con, tăng trưởng nhanh thì có nhu cầu cao hơn những trẻ nhỏ con, cũng như khả năng tiết sữa và sự tự tin nơi sữa mẹ của các bà mẹ là khác nhau.

Các nhà nghiên cứu về nhi khoa cho rằng: thời điểm tối ưu để cho trẻ ăn dặm là lúc 4-6 tháng, khi chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng của thận đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn uống ngoài sữa. Mặt khác, nhu cầu các chất khoáng như: sắt, kẽm bắt đầu có thể bị thiếu hụt từ khoảng 4 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé tròn 4 tháng tuổi, mẹ cần theo dõi sự tăng cân của bé sát sao hơn. Bình thường đến thời điểm này bé sẽ tăng khoảng 150g-200g mỗi tuần. Nếu thấy bé có khuynh hướng hơi chậm phát triển thì có thể tập cho ăn dặm ngay. Nhưng nếu chỉ với sữa mẹ mà bé vẫn tăng nhanh chứng tỏ sữa mẹ vẫn đủ dư, có thể dời thời điểm cho ăn lại đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Lúc này, nếu bạn thấy trẻ dòm miệng mọi ngưòi khi ăn uống, đòi thức ăn thì có thể thử cho bé uống chút nước súp, nước cháo hoặc trái cây,… từ muỗng. Đây cũng là thời gian tập cho bé ăn dễ dàng nhất.

Trẻ từ 7-8 tháng tuổi trở đi sẽ khó khăn trong việc tập ăn dặm, do đã quá quen với việc bú sữa. Bé sẽ khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đặc khác sữa, không quen với cách ăn từ muỗng,…

Mặt khác, đặc biệt là trong hoàn cảnh của nước ta, việc cho trẻ ăn dặm sớm có nguy cơ trẻ bị cho ăn các loại thức ăn nghèo năng lượng, không đủ chất, dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa nên hết sức tránh cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi.

Ăn dặm trong những ngày đầu

Thức ăn để tập ăn nên đơn giản, dễ làm và bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội, vì bé mới chỉ tập cách ăn thôi. Sữa mẹ lúc này vẫn cung cấp đủ cho nhu cầu của bé. Quan trọng là cho bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng muỗng thay vì bú, mút.

Một số thức ăn đầu tiên của bé:

Một muỗng bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm chín hoặc sữa.
Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng muỗng.
Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn trộn với vài muỗng sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.
Vài muỗng nước cơm hòa với sữa.
Tán nhuyễn vài muỗng bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.
Vài muỗng tàu hũ nước đường…

Tập như thế nào?

Chọn một trong các thứ trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn có thể tăng dần lên từ 1-3 muỗng nhỏ. Nên tập lúc bụng đói, ngay sau ăn vẫn cho bú bình thường để bé đủ no.
Bé cần 7-10 ngày để làm quen với một loại thức ăn đặc mới.
Khi bé đã quen với một loại thức ăn này, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên. Dần dần, bé sẽ quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn.
Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt rồi đặc hơn để bé dần dần thích nghi.
Giai đoạn này cần có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ một chút thì mới đạt được thành công vì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ăn dặm bao nhiêu là đủ?

- Bé từ 4-6 tháng: Là giai đoạn tập ăn nên lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa ăn chỉ vài muỗng (từ ít đến nhiều) và cho bú thêm cho đủ no ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng có thể tăng lên 2 bữa mỗi ngày khi lượng ăn mỗi bữa được khoảng nửa chén (chén 200ml). Bên cạnh những bữa ăn dặm, các cữ sữa khác vẫn duy trì đủ theo nhu cầu của bé.

- Từ 6-9 tháng: Ăn bột 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng ½-⅔chén với đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa. Bên cạnh đó, bé vẫn bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.

- Từ 9-12 tháng: Bé ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng ⅔ chén mỗi bữa. Ăn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như: phô-mai, bánh flan, rau câu, đậu hũ đường,… và sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hàng ngày của bé.

Nói chung, lượng ăn của mỗi bé là khác nhau ở từng cá thể, tùy theo khả năng tiêu hóa hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú sữa, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn, cho nên bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt.

Làm sao để đủ chất?

Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính:
Chất bột đường: bao gồm bột, gạo, bún, mì, nui, bánh phở…
Chất béo: là dầu ăn, mỡ động vật, bơ…
Chất đạm: là thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ…
Rau và trái cây.Khi cho ăn, mỗi chén bột, cháo của bé phải có đủ cả 4 nhóm thực phẩm mới đảm bảo đủ chất. Không tính giai đoạn đầu ăn dặm chỉ với 1 loại thực phẩm, dần dần bé được tập quen với các thực phẩm khác gồm 2 nhóm, rồi 3-4 nhóm thực phẩm. Lúc đầu ăn ít, sau đó tăng dần lên cho đủ lượng: Với nửa chén bột hay cháo đầy (nửa chén 200ml thì được 100ml) cần có thêm (đong bằng muỗng canh - loại muỗng to bằng 2 muỗng cà phê):

1 muỗng chất đạm băm nhuyễn.
1 muỗng chất rau, củ,… băm nhuyễn, tán nhuyễn.
1 muỗng dầu ăn hay mỡ nước.
Bé phải được cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ các chất dinh dưỡng, còn phần nước hầm xương, nước luộc thịt, nước rau,… thì hầu như không có chất bổ gì. Vì vậy, các thực phẩm cần được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín. Nên nấu bữa nào ăn bữa đó thì thức ăn mới được tươi mới, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng và vệ sinh.

Mẹ hãy thay đổi món thường xuyên cho bé trong từng bữa ăn, bé được ăn đa dạng thực phẩm sẽ không bị ngán và không sợ thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Các trục trặc có thể xảy ra và cách xử trí

- Bé chống cự lại, không chịu ăn, bạn hãy đổi qua một loại thức ăn khác. Biết đâu bé không thích bột ngọt (bột sữa) mà lại thích bột mặn (bột thịt, tôm,…) thì sao? Thay vì dùng muỗng đút ăn, bạn hãy lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho bé nuốt. Nếu không thành công, bạn tạm lùi lại 1-2 tuần sau và bắt đầu thử lại. Không nên cưỡng ép bé.

- Nếu bé đi tiêu có hơi lỏng một chút, màu sắc có thay đổi, nhưng bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe thì bạn vẫn cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn.

- Nếu bé đi tiêu chảy nhiều nước và đi tiêu hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo ói ọc, sình chướng bụng, bỏ bú,... thì nên ngưng cho ăn ngay, dời lại nửa tháng sau hãy tập ăn trở lại và cũng từng chút một như hướng dẫn trong những ngày đầu ăn dặm.

- Tập cho bé ăn đủ chất trong mỗi bữa khi bé đã ăn giỏi. Tuy nhiên phải tuân thủ nguyên tắc kéo dài 3-5 ngày với mỗi loại thức ăn mới để bé quen dần và phát hiện ra loại thức ăn có thể gây dị ứng nơi trẻ để loại trừ.

- Bé ăn trứng bị nổi mề đay, lác sữa,… thì có thể bé đã bị dị ứng trứng, nên tạm ngưng ăn trứng một thời gian. Bạn nên nấu trứng chín kỹ, không cho bé ăn “lòng đào”. Trứng có thể được thay bằng sữa bột, tàu hũ,… ở tháng đầu rồi sau đó là cá, thịt, tép,… ở những tháng kế.

- Nếu bé bị nghẹn, khó nuốt thì xem lại bột có quá đặc, quá lợn cợn không, hãy làm loãng bột hơn với một ít nước chín, nước canh, sữa hoặc tán nhỏ hơn nữa bằng muỗng hay tán qua rây.

- Nếu bé không muốn ăn, có phải do bé chưa đói, bạn hãy chờ đến bữa ăn sau. Lúc đói hãy cho ăn trước, sau đó cho bú thêm ngay để bé đủ no. Không nên gò ép, căng thẳng sẽ làm bé sợ ăn vì quan trọng là thói quen ăn uống hơn là phải ăn cho hết suất.

- Ngoài thức ăn dặm, bạn nên cho bé uống thêm 50-100ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn giữa các bữa ăn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

( BS. Đào Thị Yến Thủy )

Bánh Phục Linh

4


I. VẬT LIỆU:
- 200 gram bột năng. Lấy riêng ít bột năng dùng để láng khuôn
- 200 gram dừa nạo hoặc nước cốt dừa đóng lon.
- 50 gram đường trắng.
- 10 cọng lá dứa.
- Khuôn làm bánh phục linh.
- Màu thực phẩm (lọai màu nước hay dùng để pha trộn làm kem, bánh kem các loại).
- Rây kim loại.

II. THỰC HÀNH:

1

Khuôn làm bánh phục linh

1. Rửa sạch khuôn, để khô ráo. Chuẩn bị khay mâm rộng, xoa lên mặt khay và rắc vào khuôn ít bột năng khô đã để riêng rồi thổi sạch cho khuôn không bị dính.

2. Lá dứa rửa sạch, để ráo, cắt khúc ngắn chừng 3 - 4 phân, cho vào chảo với bột năng, nhỏ lửa, dùng muỗng đũa gỗ hay kim loại – không dùng vật dụng bằng nhựa melanin – đảo đều tay liên tục cho đến khi bột dậy mùi thơm, lấy thử một khúc lá dứa, bóp thấy khô giòn là bột chín. Đổ bột ra, để nguội bớt, rây lược bỏ xác lá dứa. Lưu ý khi rang bột canh lửa cho kỷ, đừng để lửa cao quá bột sẽ bị vàng

Rang chín bột chung với với lá dứa là cách làm quen thuộc của bếp nam bộ, có tác dụng làm cho mùi thơm tự nhiên của lá dứa thấm vào bột. Ở miền trung nhất là vùng Thừa Thiên Huế, nhiều ngừơi thường dùng cánh hoa lài tươi thay cho lá dứa và cũng cho hoa lài vào chung với bột để rang chín. Có thể thay lá dứa, hoa lài… bằng hương liệu các loại hoa tuỳ thích, với 200 gram bột chỉ cần cho vào 2 -3 giọt hương liệu. Khi rang và thử bột chín tới bằng cách lấy một chút, để nguội, đặt vào lưỡi sẽ thấy bột tan nhanh, không trở dẽo như bột sống.

3. Cho khoảng nửa lít nước ấm vào dừa nạo, nhồi vắt lấy nước, lược lại qua rây cho sạch vụn xác dừa. Dùng khoảng 100 cc. nước cốt dừa + 50 gram đường nấu nhỏ lửa cho tan, để nguội. Tùy ý thay bằng nước cốt dừa đóng lon với số lượng tương đương hoặc chỉ dùng nước lạnh nấu với đường phèn. Phân lượng này vừa đủ cho 200 gram bột, nhưng còn tuỳ chất luợng bột đang có, nên nấu dư thêm ra để gia giảm.

4. Cho bột ra khay, châm từ từ nước cốt dừa vào từng ít một, nhồi đều tay cho bột ướt đều nhưng vẫn ở dạng hột rời chớ không kết thành khối dẽo mịn, thử bột bằng cách cho vào giữa lòng bàn tay một nhúm nhỏ, nắm chặt lại, mở tay ra thấy bột nén kết dính chắc lại nhưng chạm nhẹ bột lại bể ra là được. Chia bột ra làm ba bốn phần, một phần để màu trắng tự nhiên của bột, các phần khác tuỳ ý nhỏ vào vài giọt màu nhồi trộn lại cho đều.

Nếu nhồi nhiều nước cho bột dẽo thì vẫn in bánh được nhưng bánh sẽ thành dạng dẽo ướt chớ không khô mịn. Bột nhồi đạt yêu cầu là khi bánh in ra chắc đẹp, để qua vài giờ là khô ráo, khi ăn có thể bẻ thành miếng nhỏ, cho vào miệng, miếng bánh sẽ tan ra dễ dàng.

2

Nhồi bột vào khuôn

5. In bánh: Để ngửa khuôn, nhận bột vào những lổ khuôn cho chắc tay, dùng dao gọt phần bột dư trên mặt lổ khuôn cho bằng phẳng, úp khuôn xuống mặt khay, gõ nhẹ cho bánh rời ra khỏi lổ khuôn.

6. Bánh làm xong để qua 2 -3 giờ cho ráo bánh rồi mới cho vào hủ, hộp… đậy kín.

7. Bánh phục linh làm với nước cốt dừa chỉ có thể để qua vài ba ngày. Nếu làm thuần túy bằng nước đường ngọt đậm bánh có thể để lâu hơn.


3

Gõ bánh ra khỏi khuôn

8. Nói thêm: Có thể dùng đường trắng loại xay thật mịn, trộn đều vào bột (50 gram đường/ 200 gram bột) rồi dùng nước cốt dừa (không có đường) hay nước lọc để nhồi. Cách làm này cho ra thành phẩm khi ăn vừa cảm thấy vị mát nhưng lạt của bột vừa có vị ngọt của hột đường không lẫn vào nhau.


Mít xào thịt viên

mitxao

Nguyên liệu:
150g thịt xay, 50g giò sống, 200g mít đá bóc hạt, 100g măng vàng, 50g nấm đông cô, 100g cải thìa, 2 thìa cà-phê hành tím xay, 1/2 chén nước dùng, hạt nêm, tiêu, dầu ăn, đường, bột năng, dầu hào.


Thực hiện:
Mít thái đôi, măng thái miếng, nấm đông cô rửa sạch, khứa chữ thập, trụng chín. Cải thìa bỏ bớt phần lá, trụng chín. Trộn thịt xay, giò sống với 1 thìa cà-phê hành tím xay, 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1/4 thìa cà-phê tiêu, viên tròn.
Đun nóng 1 thìa súp dầu ăn, phi thơm hành tím xay, cho thịt viên vào rán vàng. Cho măng, cải thìa, nấm vào xào, cho 1/2 chén nước dùng, 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1 thìa súp dầu hào, 1 thìa cà-phê đường. Cho 2 thìa cà-phê bột năng hòa với nước vào để tạo độ hơi sánh.

Thưởng thức:
Cho mít xào ra đĩa, rắc tiêu lên trên.

Mướp xào thịt gà

muopxao

Nguyên liệu:
- 2 quả mướp khía non (350g)
- 150g phi-lê thịt gà
- 10g tỏi băm.
- Gia vị: Hạt nêm, dầu ăn, tiêu, đường.
Mẹo nhỏ: Xào mướp khía vừa chín tới để món ăn giòn và ngon.

Cách làm:
1. Mướp gọt vỏ, chẻ đôi, thái miếng xéo dày 1cm. Thịt gà rửa sạch, để ráo nước, thái miếng hình chữ nhật 1,5 x 4cm.
2. Phi thơm 5g tỏi băm trong 1/2 thìa súp dầu ăn, cho thịt gà vào xào săn. Nêm một thìa cà phê hạt nêm, 1/3 thìa cà-phê tiêu, để riêng.
3. Phi thơm 5g tỏi băm trong 1,5 thìa súp dầu ăn, cho mướp vào xào, nêm 2 thìa cà-phê hạt nêm và 1/2 thìa cà-phê đường. Mướp vừa chín, cho thịt gà vào xào 1 phút, tắt bếp.
4. Bày ra đĩa, rắc 1/2 thìa cà-phê tiêu cho thơm.

Beachu Kim chi (Kim chi bắp cải)

6


1- Nguyên liệu:
- Cải thảo: 2 bắp to (cỡ 3-4 kg)
- Muối hột: 200 gr (muối hột làm ngon hơn, hổng có thì muối thường cũng được)
- 1 củ cải trắng to
- 1 củ hành tây to

- 10 cây hẹ lá
- 10 cây hành lá, có thể thay bằng hành baro
- 3 củ tỏi to
- 1 nhánh gừng

- 3-5 trái ớt đỏ, xanh mua ở tiệm Hàn Quốc (tuỳ muốn ăn cay nhiều ít)
- 10-15 muỗng canh ớt bột (nên mua loại ớt bột Hàn Quốc thì mùi vị sẽ đúng, hơn nữa ớt bột HQ không cay nhiều mà lại rất thơm, ra màu đỏ đẹp của Kim chi. Thành phần ớt bột là quan trọng không thể thiếu. Mua ở tiệm Hàn Quốc giá khoảng 250 ngàn/ kg)

- 1 trái lê hoặc bom (táo)
- 3-4 muỗng canh bột nếp. Khuấy với nửa chén nước trên lửa vừa đến sôi một hồi, cho ra bột hồ. Không thì dùng cháo gạo xay nhuyễn cũng ok.
- nửa chén nước mắm ngon.
- một chén mắm tép Hàn quốc. Mắm tép này rất phổ biến dùng làm gia vị hoặc nước chấm trong kim chi hoặc các món Hàn khác. Cách làm cực kỳ đơn giản. Con tép (tôm nhỏ) còn tươi sống, rửa sạch, cho vô keo, 1 lớp tép-1 lớp muối hột, rồi đem phơi nắng cho tôm đỏ, rồi bỏ vô ngăn đá tủ lạnh, để được lâu lắm.
Mua ở tiệm Hàn quốc cỡ 30 ngàn/ kg

mamtep

2- Cách làm:
a) Phần cải thảo:
Cải thảo cắt bổ dọc làm 2, hoặc để nguyên nếu bắp nhỏ. Để bắp cải đứng, tách từng lớp lá và rắc muối hột vào từng nách lá cải, lấy tay chà xát chú trọng phần cọng cứng chỗ gần cùi, chà nhiều muối ở phần cọng cứng, phần lá mềm cần ít muối hơn.




kchi1

Chà xong thì bắp cải thảo trông như thế này:



kchi2

Cho thêm nước vào xấp mặt cải, ngâm trong nước muối khoảng 6 tiếng cho đến khi cải xàu xuống, chín muối, trở màu trắng đục.




kchi3

Nếu ngâm xong mà cải trắng trong là cải bị úng nước, phải bỏ !
Sau đó vớt cải ra, xả kỹ bắp cải với nước lạnh (nước lạnh sẽ làm cho cải giòn) và cho vào rổ tre để cho thật ráo.


b) Phần nhân xắt sợi:
Củ cải, 1 củ cà rốt, hành tây: xắt sợi
Hẹ lá, hành lá, hành baro: xắt khúc 3cm, baro xắt lát xéo. (hẹ lá thì nên bỏ luôn phần cọng cứng ở gốc, nó cứng lắm, khó thấm gia vị)





kchi4

Cho 1 muỗng cà phê đường vào, trộn đều. Mục đích cho rau xàu xuống, dễ trộn với kim chi, đường sẽ làm cho củ cải giòn hơn.




c) Phần nhân xay nhuyễn với máy sinh tố:
- Gừng, tỏi lột vỏ rửa sạch
- 1 củ cà rốt bào vỏ rửa sạch cắt khúc nhỏ (cho dễ xay)
- 1 trái táo gọt vỏ, bỏ hột, cắt nhỏ
- bột nếp, ớt trái

kchi6


Cho hết vào máy sinh tố xay nát với chút nước chín.
Đổ ra 1 thau lớn (hay nồi lớn). Khuấy ớt bột với nước ấm, cho nước mắm vào, khuấy lên cho đều.
Cho phần nhân xắt sợi và mắm tép vào. Trộn chung với khoảng 1 muỗng canh đường, nếm thử coi có vừa ăn chưa.





4

3- Cách muối kim chi:

Dùng hỗn hợp “so” thoa đều vào từng lớp bẹ và lá cải (nhớ đeo bao tay nilon chứ không nóng tay lắm!) Giữ ngữa phần thân bắp cải để cho các phụ liệu nằm bên dưới. Chú trọng kỹ phần cọng lá cứng, thoa tới tận gốc.

6

Gói chặt bắp cải lại bằng các lá bên ngoài và xắp từng bắp cải trong hủ sành và nhớ để ngữa phần cắt lên. Thoa nhân xong phải túm bắp cải thảo lại cho thật chặt, cho cải dễ ngấm gia vị! Xếp vào hộp , đậy nắp kín, để ngoài khoảng 6-12 tiếng, tuỳ muốn ăn chua nhiều ít. Tuỳ muốn để dành được lâu hay không, rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh. (Để dùng được trong thời gian dài hơn ta có thể rải lên một lớp muối.)



kchi7

Trên đây là cách làm "chính thống". Nếu lười có thể dùng cách muối xổi !


Cách muối xổi:

Cải thảo cắt ra từng lá, rửa thật sạch. Nếu lá lớn thì cắt lá làm đôi theo chiều dọc, rồi cắt làm 3 theo chiều ngang. Lá nhỏ khỏi cắt đôi, chỉ cắt làm hai.
Ướp muối vào phần lá cải này, lượng muối nên bớt lại, ướp theo kiểu vừa mặn để cải xàu xuống mà thôi. Ướp trong khoảng 3-4 tiếng. Rồi vắt thật ráo nước. Nhớ là phải vắt thật kỹ!
Phần "so" y hệt như trên.

Trộn chung lên, cho vô hộp.

Làm theo cách này khi ăn khỏi mất công cắt cắt. Mà cũng dễ canh lượng muối hơn. Ngon cũng y hệt!

Cách làm Kim chi củ cải trắng cũng gần y hệt vậy. Chỉ bỏ phần nhân xắt sợi.

*Lưu ý:

- Phần bột nếp quấy hồ: nhằm tác dụng làm phần nhân có độ sệt và giúp bám dính vào rau củ, giúp kim chi thấm đều gia vị, quan trọng nữa là giúp tạo men chua. Tuy nhiên cũng tuỳ theo thời tiết mà mình gia giảm. Trời lạnh thì dùng nhiều bột nếp, nếu không kim chi không chua nổi, mà biến thành khú! Nhưng nếu trời nóng thì nên dùng lượng bột nếp ít thôi. Để kim chi lâu lên men chua, để dành được lâu.

- Mắm tép là nguồn mặn chính, nếu không thích thì đừng cho cũng được nhưng phải tăng lượng nước mắm .
- Khi kim chi đã chua quá thì xào kim chi với thịt heo làm thành món :kimchi bôkưm! Hoặc nấu canh với thịt heo, đậu hũ trắng!

6/6/09

Cá lóc kho tộ

Trong văn hóa ẩm thực, miếng ăn từ nơi cội nguồn, ngày mỗi được tiếp thu, sáng tạo. Từ con cá, hạt muối, người chế biến đã biết đưa dần những phụ gia có những hương vị hạp nhau, tác động hỗ tương để chất lượng món ăn nâng cao hơn, bổ sung cho nhau những chất bổ dưỡng, điều phối quy luật âm dương cân bằng. Từ đó, củ gừng cay, chân hành nồng, trái ớt chín đỏ, nước màu dừa sánh mật ong đã góp thêm hương vị, thêm sắc cho món ăn, khiến nó đã ngang nhiên kiêu hãnh trên mâm tiệc của những nhà hàng khách sạn cao sang, làm biết bao du khách phải ngẩn ngơ khi đã một lần nếm thử ! Cá dành kho tộ phải là cá thật tươi. Có thể chọn cá lóc, cá bông lau, cá tra, cá hú, cá chẻm… Những con cá không tươi, nếu đã rửa qua rượu mà vẫn còn mùi, không thể kho được.


Photobucket

Một tô cá trong bữa cơm hằng ngày của một gia đình 4 nhân khẩu:
Nguyên liệu :
- Lượng cá khoảng 300gam
- 2 tép hành lá
- 4 tép tỏi
- 100g thịt ba rọi
- Tiêu, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm ngon, ớt, 1 cái tô đá

Cách thực hiên :
- Cá lóc làm sạch, để ráo, cắt khúc dày khoảng 1cm
- Hành lá rửa sạch, lấy phần trắng giã nhuyễn.
- Tỏi đập dập bóc vỏ bầm nhuyễn
- Thịt ba rọi rửa sạch thái mỏng xào sơ
- Cho vào tô đá 2 muỗng súp dầu, 2 muỗng súp đường, thắng cho đường hơi ngả màu, cho tỏi băm, hành lá vào phi hơi vàng
- Cho cá vào đảo nhanh tay+nuớc mắm ngon+đường+bột ngọt+nước dùng hoặc nước dừa khoảng 1/2 chén+thịt ba rọi để lửa nhỏ
- Kho đến khi nước sền sệt, rắc hành lá, tiêu lên mặt, rưới một ít mỡ cho cá bóng, vàng nâu, trông rất hấp dẫn

Món cá kho tộ ăn với cơm trắng, có thể dọn kèm thêm xà lách, rau thơm, dưa leo, cà chua… vừa tăng thêm vị, vừa tạo thêm các sinh tố có từ rau quả tươi sống. Sau những giờ phút lao động vất vả, dừng chân nghỉ trưa dưới một lùm cây rợp bóng mát, bên một con kênh nước trong xanh. Những ngọn gió từ cánh đồng khai phá xa xa thổi mát rượi. Chỉ một thoáng, nồi cơm gạo mới đã chín bay tỏa hương thơm. Con cá mới đây còn quẫy nước, giờ đã được cắt khoanh, màu vàng nâu bóng đầy gợi cảm trong tộ đất còn nóng hổi. Hương cơm, hương cá quyện thành một thứ cảm giác lạ lùng, đeo đẳng theo đời ta trong suốt dặm dài… Mai đây dẫu có được ăn sơn hào hải vị cũng không thể nào quên!

Ếch xào rau răm

echxao

* Nguyên liệu: 300g ếch (đã làm sạch), 1 cọng dọc mùng (150g), 20g rau răm, 2 tép tỏi, hạt nêm, đường, bột cà ri, nước mắm, dầu ăn.

* Thực hiện:

- Rửa sạch ếch, để ráo, 1 con chặt làm tư. Dọc mùng tước vỏ, thái xéo theo chiều ngang, dày 1cm. Rau răm nhặt lấy phần lá, rửa sạch, để thật ráo, thái bản to. Phi thơm tỏi băm với 1,5 thìa súp dầu ăn. Cho ếch vào xào trên lửa lớn.
- Nêm 1 thìa cà phê bột cà ri, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường và 1/2 thìa súp nước mắm. Xào thêm 2 phút, rót vào 200ml nước sôi. Khi nước trong nồi ếch sôi lại, cho dọc mùng vào. Đun thêm 1 phút, tắt bếp, cho rau răm vào.

Mách bạn: Thay nước sôi bằng nước dừa tươi, món ăn sẽ thơm ngon hơn.

6/5/09

Đặc sản quê tôi

Tôi thích thưởng thức và nấu các món ăn...tay nghề nấu ăn của tôi cũng giống như tâm trạng của tôi vậy...khi vui, khi buồn. Để lưu lại những món ăn mà mình thích..tôi quyết định viết về đề tài này (...vì thích nhiều món quá!!)..Nhưng trước tiên mình phải giới thiệu về một món ăn đặc sản của quê mình chứ há...sẳn tiện để mọi người biết đến quê mình luôn...và để những người bạn đồng hương có thể nhận ra nhau qua món ăn này nữa chứ..

Món Độc Gò Công

" Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong.
Thuận vợ chồng ta cùng tát biển Đông..."

Theo thiển ý, Gò Công không nổi tiếng vì gió mà là vì thức ăn. Ai đến thăm Gò Công một lần, nhất là đã lưu lại một đôi ngày để nếm qua các món ngon đặc biệt ở đây cũng đều cảm thấy “Gò Công bé nhỏ xứ xơ ri. Lưu luyến lòng người phút biệt ly” bạn ạ! Sơ-ri (cerise) là một trái rất đặc biệt chỉ ở Gò Công mới có. Bước vào một vườn sơ-ri ở Cống Bà Chài, ai cũng thấy lòng dịu lại, mềm đi khi nhìn những cây xơ-ri đầy trái chín đỏ, chen lẫn hoa sơ-ri lấm tấm hồng trên những chiếc lá nhỏ xanh tươi. Tàn cây sơ-ri xòe rộng nhưng chỉ cao quá đầu người một chút nên rất dễ hái. Ngắt một trái đỏ nhất nếm thử mà xem, vị ngọt chua lẫn với mùi thơm ngát dễ chịu của trái sơ-ri bé nhỏ này sẽ làm bạn lâng lâng khoan khoái.
sori

Trái xơ-ri xanh hoặc vừa chín tới lại ngon một cách khác, nhất là chấm với muốt ớt đỏ, chỉ nhìn thôi đã chảy nước miếng vì thèm. Trong các vườn xơ-ri thường cũng có một vài cây nhãn. Nhãn Gò Công thơm ngon lắm, trái to, nhiều nước, cơm thật dày, ăn vào ngọt mát cả tâm can. Nhãn này thường không có đủ để đem bán ở chợ, vì dân sành ăn cứ vào vườn mua hết. Nhưng bạn chớ buồn nếu mua không được nhãn, vì còn biết bao nhiêu món ngon lành, hấp dẫn khác chờ đợi bạn chiếu cố ở chợ Gò Công, nào mãng cầu ta to miệng chén, nở mạn hết cỡ, có một vị ngọt đặc biệt, lạ lùng qua chút mằn mặn của trái cây vùng biển. Nào đu đủ, quít đường chín cây da láng bóng, vàng ửng, ngọt lịm, quít ta lớn trái, vàng tươi, mọng nước. Nào mận da người sắc xanh như ngọc, phơn phớt ánh hồng; Mận hồng đào đỏ thắm, vị ngọt thơm mời mọc v.v...

Gò Công tuy không được mệnh danh là xứ dừa, nhưng người dân ở đây rộng rãi lạ lùng khi dùng dừa khô trong các món ăn chơi, bạn đã có dịp nếm thử món bánh bò nước dừa của Gò Công chưa? Miếng bánh bò hấp trắng nõn, láng mướt đem chấm vào chén nước cốt dừa bồng con nguyên chất dừa, không trộn bột, ăn vào cứ ngon lịm cả người. Xôi vò ở đây cũng rất ngon, rất béo vì nhiều dừa, lắm đậu xanh, được dọn kèm với món cơm rượu thơm nức, ngọt nồng, ăn hoài không chán.

banh

Các loại bánh khoai mì nướng, bánh chuối, bánh khổ qua (làm bằng bột năng, nhân đậu xanh, da sần sùi như trái khổ qua), bánh bèo, bánh da lợn... đều được bà hàng chan nước cốt dừa rất rộng tay, ăn ngon hết sẩy. Món cốm dẹp của Gò Công cũng tuyệt vời không kém vì dừa nạo được trộn vào nhiều không tiếc tay đến nổi màu trắng sữa của dừa gần lấn át cả màu xanh của cốm.

Biển Tân Thành cách Gò Công chừng 15km, là nơi cung cấp đồ biển tươi cho tỉnh nhà. Cát biển ở đây hơi nâu, đầy vỏ ốc luốc đủ màu, nang mực và vỏ nghêu, sò trắng muốt. Sò huyết Gò Công tuy nhỏ con nhưng nướng lên thơm lừng và rất ngọt thịt, rất được dân nhậu ưa chuộng. Một món nhậu khoái khẩu khác, rất độc đáo của Gò Công là con móng tay. Nó thuộc một loại nghêu, hình dài, ốm cỡ ngón tay út, võ ngoài trắng nõn, thịt ngọt, dòn, nhậu rất hao bia.

oc

Quả là thiếu sót nếu không kể đến một món bánh rất đặc biệt của quê tôi- bánh Giá Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang), món này được nhiều người ưa thích bởi hương vị đặc trưng của nó.
Trong bột có giá, đậu xanh, thịt nạc băm, gan heo,cầu kỳ hơn thì thêm óc heo quậy tan trong bột, và mặt bánh nhìn thật hấp dẫn với hai chú tôm đỏ tươi, giòn rụm bên mấy hạt đậu phọng ngậy béo.


banhgia

Ăn kèm với bánh Giá có bún, rau thơm, nước mắm tỏi ớt. Rau thơm các loại được xắc nhỏ cho vào tô, từng con bún được gỡ rời ra để lên trên. Kế đến bánh Giá được xé hoặc cắt nhỏ ra xếp lên trên cùng, cho thêm mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ, rồi rưới nước mắm tỏi ớt cho vừa ăn.Cái giòn béo của bột năng, bột gạo, vị ngọt của tôm, vị bèo của của gan heo, cái dai của giá chín, mùi thơm của rau sống cộng với vị tổng hợp cay, mặn, chua, ngọt..của nước mắm tỏi ớt quả thật là một món ăn rất khoái khẩu và hấp dẫn.
Để đáp ứng yêu cầu của những người ăn chay, người ta còn chế biến bánh Giá chay bằng cách thay thế tôm, gan heo bằng đậu hũ (đậu phụ) thái mỏng, nấm rơm, nấm mèo...và khi ăn thì thay thế nước mắm bằng nước tương tỏi ớt .
Gọi là bánh Giá hay bánh Vá cũng đều đúng cả. Nếu gọi là bánh Giá vì trong nhân bánh có giá dù là bánh mặn hay bánh chay. Nếu gọi là bánh Vá, bởi trước khi đưa vào chảo để chiên toàn bộ nguyên liệu đều tập trung vào chiếc vá cũng như hình dáng chiếc bánh lớn hay nhỏ đều tuỳ thuộc vào chiếc vá.
Ngày xưa ba má tôi thường trồng thêm nấm rơm sau mối mùa gặt lúa….thú nhất là khi hái nấm rơm. Nấm búp nhỏ cỡ đầu ngón tay, vừa nhú lên từng chùm sau cơn mưa được lặt hết, đem hấp lên giả làm ốc gạo, chấm nước mắm cay ngon ra phết. Nấm lớn hơn được má rửa sạch, cắt đôi, nêm chút muối tiêu, tra tí mỡ hành, gói bằng lá nghệ non nướng lên đãi cả nhà. Ôi, đối với tôi, nấm rơm tươi bọc lá nghệ nướng là món ngon độc nhất vô nhị trên cõi đời này. Mùi lá nghệ thơm nức mũi quyện vào trong tai nấm, bạn ơi, ăn vào thấy ngọt lịm cả tâm hồn. Bạn thử làm một đũa đi, rồi sẽ như tôi, tâm phục ông bà mình đã khám phá ra món ăn thích khẩu nầy và lưu truyền cho cháu.
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại được may mắn xơi món đuông dừa chiên bột.


duongdua

Con đuông sống khi nhúc nhích nhìn thật ớn, vậy mà sau khi được lăn bột, chiên lên vàng óng, giòn rụm thì ngon không chi sánh bằng, nhất là khi được cuốn rau sống, cải xà lách, chấm nước nắm cà cuống, đưa cay với ít rượu nếp than. Mỗi lần ăn đuông như vậy chỉ có tụi tôi là sung sướng, còn ba tôi thì buồn bã, bí sị vì thêm một cây dừa xanh tốt gục chết tức tưởi vì lũ độc trùng. Chính tụi tôi cũng tiếc nhưng khi nhai rau ráu cái phần tuyệt ngon trong bộng cây dừa gọi là củ hủ thì quên hết hận thù, trái lại còn... thầm cám ơn mấy con đuông nữa mới chết!

Lần nào về quê, mỗi sáng má cũng nấu cho chị em tôi món cháo gạo nhum màu tím hồng thơm nức mũi, ăn với tôm rang nước dừa đậm đà béo ngậy. Còn món cua lột lăn bột chiên mà mỗi lần nhớ đến là mỗi lần tôi thèm chảy nước miếng nữa chứ. Tội nghiệp ba tôi, lần nào chị em tôi trở lên SG cũng dúi vào tay mỗi đứa mấy hũ mắm còng để có cái mà ăn, phòng khi quá bận học hành thi cử không kịp nấu bếp. Nhớ lúc nội còn sống, mỗi lần má lên thăm mấy chị em, nội đều gởi biết bao nhiêu là món quà từ quê nhà yêu dấu. Món nào cũng ngon trứ danh. Nào bánh dừa đậu đen vuông xinh xẻo, gói bằng đọt lá dừa nước trắng ngà, bánh ít nhân dừa, nhân đậu béo bổ. Nào chả lụa Hòa Đồng, nem chua chợ Dinh ngon tuyệt vời, nào mắm tôm chua trộn đu đủ hườm với những lát tỏi trắng ngần và ớt cay đỏ thắm, nào me dốt, me chín, chuối khô, mứt gừng dẻo. Thôi thì mùa nào thức ấy. Nghĩ mà thương quá chừng!



Lẩu gà hầm xả

Món này tuy cách nấu đơn giản nhưng nó có mùi thơm rất quyến rũ, nước soup nóng ngọt lịm, thịt gà ít mỡ, săn chắc, cộng thêm hương vị rau làm cho món ăn thên đậm đà.

Không biết ở những nơi khác cách nấu ra sao..chứ ở dòng họ nhà tôi thì nấu thế này:

Chọn Gà nòi hoặc gà của mấy người chơi đá gà, vặt sạch lông (Chú ý: Không phải là nhúng vào nước sôi rồi vặt giống như nấu cháo Gà đâu nha...mà là vặt lông khô, rùi lấy rơm thui cho vàng..rùi mổ bụng làm sạch), chặt sao cho miếng thịt có đủ 3 phần da, thịt, xương liền nhau; tất cả trộn đều với xả ớt băm, thêm gia vị như muối, tiêu, đường, bột ngọt, và một ít rượu trắng và nghệ để có mùi thơm.

Trong thời gian để thịt ngấm đều, ta bắt nồi nước dừa có củ cải trắng cắt khoanh, một nhúm nhỏ đậu xanh và vài cọng sả đập dập lên bếp đun sôi, sả càng cay càng ngon. Trong khi chờ củ cải, đậu xanh chín nhừ và sả toả mùi thơm...ta xào phần thịt đã ướp cho săn lại..rùi bỏ vào nồi nước hầm. Canh chừng sao cho thịt vừa chín tới thì tắc bếp (..món này để mềm quá thì ăm mất ngon), múc nước và thịt ra nồi nhỏ rùi đặt lên bếp ga mini

gahamxa

Khi ăn để lửa riu riu, cho thêm vào nồi tàu hủ non. Ăn kèm với lẩu là mướp non cắt khoanh, rau mồng tơi, rau muống...í..còn bún nữa chứ..Nước chấm thường là nước mắm nguyên chất dầm ớt..hoặc muối ớt chanh (làm bằng muối hột), nhưng đôi khi cũng dùng được với chao.

Canh chua lươn

canhchualuon

Vật liệu:
- 1 con lươn vàng, đem về sát muối, ngâm dấm trắng, cạo rữa sạch, cắt từng bên mang tai lấy chỉ lưng (xem hình dưới).
- 1 bắp chuối, bào và ngâm chanh cho không bị đen (thực ra bắp chuối cắt khúc sẽ ngon hơn).
- Nước mắm, muối, đường, rau om ngò gai, me chua, xả bằm, ớt trái cà chua, cắt khúc
- Nước luộc thịt gà.

Cách làm:
Cho nước luột thịt gà vào nồi, cho me chua nấu tan (nếu có me trái xanh càng ngon), nêm tí đường, muối, khi nước sôi bùng thì thả lươn làm sạch cắt khúc dài vào...luộc chín gắp ra đĩa, thả bắp chuối và cà chua vào đảo, rồi nêm lại cho ngon vừa miệng ăn của mình..sao cho nồi canh chua chua, ngọt ngọt...khi ăn cho lươn trở vào nồi cho sôi nóng lên, phi tỏi và xả bằm cho thơm vàng thêm vào, rắc rau om ngò gai và vài lát ớt...ăn lươn chấm với nước mắm mặn + xả bằm + ớt hiểm sắt nhỏ + tí đường + nước me lọc...ăn với cơm hoặc bún rất ngon.

laychilung

Canh rong biển

canhrongbien

Nguyên liệu:
- 200g sườn non
- 50 rong biển (loại nấu canh),
- 1 miếng đậu hũ trắng
- 20g củ gừng, hành lá, bột nêm, đường, nước mắm.

Thực hiện:
-Sườn non chà muối cho sạch, rửa rồi để ráo, chặt khúc dài 2cm.
-Rong biển ngâm vào nước cho mềm, vớt ra, để ráo.
-Đậu hũ trắng thái miếng vuông, cạnh 1,5cm.
-Gừng gọt vỏ, đập cho dẹp , hành lá thái xéo.
-Nấu sôi 1 lít nước, cho sườn non vào đun sôi, hớt bọt. Thả miếng gừng vào .Nấu khoảng 15 phút để sườn non chín mềm, cho rong biển và đậu hũ trắng vào, đun thêm 2 phút. Nêm gia vị 1 muỗng cà-phê bột nêm, 1/2 muỗng cà-phê đường và 1 thìa cà-phê nước mắm. Múc canh ra tô, bày sườn non, rong biển và đậu hũ trắng sao cho mỗi thứ một góc. Sau đó, rắc tiêu và hành lá lên.

Canh rong biển là một trong những món ăn giản tiện và bổ dưỡng. Món này thích hợp cho những lúc chúng ta muốn có một món ăn nhanh, gọn.

* Rong biển mọc và được lấy lên từ biển. Rong biển có nhiều chất bổ dưỡng, có nhiều chất vôi và chất sắt hơn những sản phẩm bơ sữa.