6/9/09

Trẻ em ăn dặm từ 6 đến 12 tháng tuổi

Sữa mẹ là rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng ăn dặm cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp trẻ tăng trưởng và thích nghi với cuộc sống. Vậy thì thời điểm nào là tốt nhất cho bé tập ăn dặm?


Tho



Bé tròn 4 tháng tuổi, ai cũng bảo tới tuổi tập ăn dặm rồi đấy. Nhưng phải bắt đầu ra sao, điều này làm cho các bà mẹ thật sự bối rối. Nếu trong tháng này, bé có vẻ hơi chậm tăng cân, mặc dù vẫn bú mẹ, bú ngoài bình thường. Có trục trặc gì đã xảy ra?

Bạn biết không? Đây chính là thời điểm bạn cần cho bé tập ăn dặm, nhằm đảm bảo cho bé tiếp tục tăng trưởng và phát triển bình thường. Ăn dặm - hay còn gọi là ăn bổ sung, ăn sam được hiểu là sự chuyển từ chế độ sữa hoàn toàn sang chế độ ăn có thức ăn khác sữa.

Tại sao phải cho bé ăn dặm?

Bé sinh ra trong 4-6 tháng đầu tiên chỉ cần bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa bò) và hoàn toàn không cần cho ăn hay uống thêm bất cứ một loại thức ăn, thức uống nào khác. Trong bốn tháng này, bé tăng khoảng 1kg mỗi tháng là tốt, chứng tỏ lượng sữa cung cấp là đủ cho sự phát triển của bé. Với đa số trẻ em thì chỉ cần cho bú sữa mẹ (hoặc sữa bò nếu không thể có sữa mẹ) hoàn toàn trong 4 tháng đầu thì đã đủ cho nhu cầu sống và lớn lên của bé. Trước thời gian này, mẹ không nên cho bé ăn hay uống bất cứ một loại thức ăn, thức uống nào khác; vì không những không cần thiết mà còn gây hại cho hệ tiêu hóa còn non yếu của bé. Tùy theo từng trẻ, sau 4-6 tháng tuổi thì nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của bé sẽ tăng lên vì bé lớn lên không ngừng, sữa không đủ cho nhu cầu dinh dưỡng của bé nên cần phải cung cấp thêm các loại thức ăn khác. Các chất dinh dưỡng dễ bị thiếu hụt khi chỉ dựa vào chế độ ăn lỏng (sữa) là năng lượng, chất đạm (protein), sắt và kẽm, gây ra bé chậm tăng trưởng, dễ bị thiếu máu, biếng ăn và các rối loạn khác.

Mặt khác, tập cho trẻ ăn lúc này là một cách giúp bé hòa nhập vào gia đình và cách ăn uống của gia đình. Bé sẽ bắt đầu mọc răng vào khoảng 6-8 tháng tuổi nên có nhu cầu nhai để có thói quen ăn uống tốt sau này. Các trẻ bú mẹ đã làm quen với hương vị các loại thức ăn qua sữa mẹ nên dễ dàng trong việc tiếp nhận các thức ăn này ở tuổi ăn dặm.

Một điều cần lưu ý là nếu trẻ được ăn dặm trễ sau 10-12 tháng sẽ khó thích nghi với bữa ăn gia đình, thường ăn uống thiên lệch, không ăn được nhiều loại thức ăn,… ảnh hưởng lâu dài đến tình trạng dinh dưỡng sau này.

Khi nào cần cho trẻ ăn dặm?

Có nhiều người khá bối rối khi đọc được thông tin “Hãy cho trẻ tập ăn dặm từ 4 đến 6 tháng”. Vậy khi nào thì tập ăn lúc 4 tháng và khi nào thì 6 tháng? Có thể cho ăn sớm hơn hay trễ hơn thời gian này hay không?

Thật ra, không có một thời điểm nhất định nào cho mọi trẻ. Thời gian tập ăn dặm phù hợp nhất đối với mỗi trẻ là khi sữa mẹ không còn cung cấp đủ cho nhu cầu của trẻ nữa. Trẻ to con, tăng trưởng nhanh thì có nhu cầu cao hơn những trẻ nhỏ con, cũng như khả năng tiết sữa và sự tự tin nơi sữa mẹ của các bà mẹ là khác nhau.

Các nhà nghiên cứu về nhi khoa cho rằng: thời điểm tối ưu để cho trẻ ăn dặm là lúc 4-6 tháng, khi chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng của thận đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn uống ngoài sữa. Mặt khác, nhu cầu các chất khoáng như: sắt, kẽm bắt đầu có thể bị thiếu hụt từ khoảng 4 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé tròn 4 tháng tuổi, mẹ cần theo dõi sự tăng cân của bé sát sao hơn. Bình thường đến thời điểm này bé sẽ tăng khoảng 150g-200g mỗi tuần. Nếu thấy bé có khuynh hướng hơi chậm phát triển thì có thể tập cho ăn dặm ngay. Nhưng nếu chỉ với sữa mẹ mà bé vẫn tăng nhanh chứng tỏ sữa mẹ vẫn đủ dư, có thể dời thời điểm cho ăn lại đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Lúc này, nếu bạn thấy trẻ dòm miệng mọi ngưòi khi ăn uống, đòi thức ăn thì có thể thử cho bé uống chút nước súp, nước cháo hoặc trái cây,… từ muỗng. Đây cũng là thời gian tập cho bé ăn dễ dàng nhất.

Trẻ từ 7-8 tháng tuổi trở đi sẽ khó khăn trong việc tập ăn dặm, do đã quá quen với việc bú sữa. Bé sẽ khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đặc khác sữa, không quen với cách ăn từ muỗng,…

Mặt khác, đặc biệt là trong hoàn cảnh của nước ta, việc cho trẻ ăn dặm sớm có nguy cơ trẻ bị cho ăn các loại thức ăn nghèo năng lượng, không đủ chất, dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa nên hết sức tránh cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi.

Ăn dặm trong những ngày đầu

Thức ăn để tập ăn nên đơn giản, dễ làm và bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội, vì bé mới chỉ tập cách ăn thôi. Sữa mẹ lúc này vẫn cung cấp đủ cho nhu cầu của bé. Quan trọng là cho bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng muỗng thay vì bú, mút.

Một số thức ăn đầu tiên của bé:

Một muỗng bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm chín hoặc sữa.
Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng muỗng.
Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn trộn với vài muỗng sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.
Vài muỗng nước cơm hòa với sữa.
Tán nhuyễn vài muỗng bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.
Vài muỗng tàu hũ nước đường…

Tập như thế nào?

Chọn một trong các thứ trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn có thể tăng dần lên từ 1-3 muỗng nhỏ. Nên tập lúc bụng đói, ngay sau ăn vẫn cho bú bình thường để bé đủ no.
Bé cần 7-10 ngày để làm quen với một loại thức ăn đặc mới.
Khi bé đã quen với một loại thức ăn này, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên. Dần dần, bé sẽ quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn.
Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt rồi đặc hơn để bé dần dần thích nghi.
Giai đoạn này cần có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ một chút thì mới đạt được thành công vì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ăn dặm bao nhiêu là đủ?

- Bé từ 4-6 tháng: Là giai đoạn tập ăn nên lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa ăn chỉ vài muỗng (từ ít đến nhiều) và cho bú thêm cho đủ no ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng có thể tăng lên 2 bữa mỗi ngày khi lượng ăn mỗi bữa được khoảng nửa chén (chén 200ml). Bên cạnh những bữa ăn dặm, các cữ sữa khác vẫn duy trì đủ theo nhu cầu của bé.

- Từ 6-9 tháng: Ăn bột 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng ½-⅔chén với đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa. Bên cạnh đó, bé vẫn bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.

- Từ 9-12 tháng: Bé ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng ⅔ chén mỗi bữa. Ăn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như: phô-mai, bánh flan, rau câu, đậu hũ đường,… và sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hàng ngày của bé.

Nói chung, lượng ăn của mỗi bé là khác nhau ở từng cá thể, tùy theo khả năng tiêu hóa hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú sữa, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn, cho nên bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt.

Làm sao để đủ chất?

Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính:
Chất bột đường: bao gồm bột, gạo, bún, mì, nui, bánh phở…
Chất béo: là dầu ăn, mỡ động vật, bơ…
Chất đạm: là thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ…
Rau và trái cây.Khi cho ăn, mỗi chén bột, cháo của bé phải có đủ cả 4 nhóm thực phẩm mới đảm bảo đủ chất. Không tính giai đoạn đầu ăn dặm chỉ với 1 loại thực phẩm, dần dần bé được tập quen với các thực phẩm khác gồm 2 nhóm, rồi 3-4 nhóm thực phẩm. Lúc đầu ăn ít, sau đó tăng dần lên cho đủ lượng: Với nửa chén bột hay cháo đầy (nửa chén 200ml thì được 100ml) cần có thêm (đong bằng muỗng canh - loại muỗng to bằng 2 muỗng cà phê):

1 muỗng chất đạm băm nhuyễn.
1 muỗng chất rau, củ,… băm nhuyễn, tán nhuyễn.
1 muỗng dầu ăn hay mỡ nước.
Bé phải được cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ các chất dinh dưỡng, còn phần nước hầm xương, nước luộc thịt, nước rau,… thì hầu như không có chất bổ gì. Vì vậy, các thực phẩm cần được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín. Nên nấu bữa nào ăn bữa đó thì thức ăn mới được tươi mới, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng và vệ sinh.

Mẹ hãy thay đổi món thường xuyên cho bé trong từng bữa ăn, bé được ăn đa dạng thực phẩm sẽ không bị ngán và không sợ thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Các trục trặc có thể xảy ra và cách xử trí

- Bé chống cự lại, không chịu ăn, bạn hãy đổi qua một loại thức ăn khác. Biết đâu bé không thích bột ngọt (bột sữa) mà lại thích bột mặn (bột thịt, tôm,…) thì sao? Thay vì dùng muỗng đút ăn, bạn hãy lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho bé nuốt. Nếu không thành công, bạn tạm lùi lại 1-2 tuần sau và bắt đầu thử lại. Không nên cưỡng ép bé.

- Nếu bé đi tiêu có hơi lỏng một chút, màu sắc có thay đổi, nhưng bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe thì bạn vẫn cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn.

- Nếu bé đi tiêu chảy nhiều nước và đi tiêu hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo ói ọc, sình chướng bụng, bỏ bú,... thì nên ngưng cho ăn ngay, dời lại nửa tháng sau hãy tập ăn trở lại và cũng từng chút một như hướng dẫn trong những ngày đầu ăn dặm.

- Tập cho bé ăn đủ chất trong mỗi bữa khi bé đã ăn giỏi. Tuy nhiên phải tuân thủ nguyên tắc kéo dài 3-5 ngày với mỗi loại thức ăn mới để bé quen dần và phát hiện ra loại thức ăn có thể gây dị ứng nơi trẻ để loại trừ.

- Bé ăn trứng bị nổi mề đay, lác sữa,… thì có thể bé đã bị dị ứng trứng, nên tạm ngưng ăn trứng một thời gian. Bạn nên nấu trứng chín kỹ, không cho bé ăn “lòng đào”. Trứng có thể được thay bằng sữa bột, tàu hũ,… ở tháng đầu rồi sau đó là cá, thịt, tép,… ở những tháng kế.

- Nếu bé bị nghẹn, khó nuốt thì xem lại bột có quá đặc, quá lợn cợn không, hãy làm loãng bột hơn với một ít nước chín, nước canh, sữa hoặc tán nhỏ hơn nữa bằng muỗng hay tán qua rây.

- Nếu bé không muốn ăn, có phải do bé chưa đói, bạn hãy chờ đến bữa ăn sau. Lúc đói hãy cho ăn trước, sau đó cho bú thêm ngay để bé đủ no. Không nên gò ép, căng thẳng sẽ làm bé sợ ăn vì quan trọng là thói quen ăn uống hơn là phải ăn cho hết suất.

- Ngoài thức ăn dặm, bạn nên cho bé uống thêm 50-100ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn giữa các bữa ăn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

( BS. Đào Thị Yến Thủy )

No comments: